Tham quan, học tập mô hình xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn
Ngày 22/3/2007, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Vĩnh Phúc đã tổ chức đoàn tham quan, học tập mô hình xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển bền vững - trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Đoàn gồm các cán bộ của phòng Môi trường, trung tâm TN&MT (thuộc Sở TN&MT); đại diện phòng TN&MT các huyện, thị, thành; lãnh đạo xã, cán bộ phụ trách môi trường các xã Đại Đồng (Vĩnh Tường), Thanh Lãng (Bình Xuyên), Đồng Cương (Yên Lạc), Hướng Đạo (Tam Dương) và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội.
Tại buổi tham quan, Đoàn đã nghe Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững giới thiệu về quy trình xử lý rác thải, chế biến phân hữu cơ vi sinh. Quy trình xử lý rác thải hữu cơ và phế thải nông nghiệp dưới sự trợ giúp của chế phẩm vi sinh vật (đó là các hỗn hợp chủng loại vi sinh vật có khả năng làm tăng quá trình phân giải các chất hữu cơ và tổng hợp thành dạng hữu cơ mới) thành phân hữu cơ sinh học được tiến hành theo các bước sau: thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt hữu cơ tại gia đình và phế thải nông nghiệp; ủ phế thải; kiểm tra và duy trì độ ẩm trong bể ủ; chế biến phân hữu cơ sinh học. Sử dụng phân hữu cơ sinh học từ chế phẩm sinh học và phế thải nông nghiệp cho sản xuất nông nghiệp có tác dụng làm tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm sâu bệnh và tăng khả năng đề kháng sâu bệnh của cây trồng, làm cho hạt giống nảy mầm đều hơn, cây mọc khoẻ hơn. Bón phân hữu cơ cho cây trồng sẽ làm tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng sản phẩm. Các loại phân hữu cơ nguyên chất có rất nhiều mầm bệnh, dễ gây ô nhiễm, bẩn nên cần phải được ủ trước khi sử dụng. Để tăng tốc độ ủ mà vẫn đảm bảo chất lượng phân, cần đưa vào công nghệ ủ các loại chế phẩm vi sinh. Với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, quá trình ủ phải được che hoặc trát kín sau khi đã xếp đủ các lớp rác, tưới nước cùng chế phẩm vi sinh tạo ra một môi trường có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho vi sinh vật thực hiện quá trình phân giải rác. Phân hữu cơ sau khi được chế biến thường được sử dụng như sau: bón thẳng ra ruộng làm phân bón lót cho cây trồng hàng năm, hoặc bón quanh gốc cây cho cây ăn quả; rải trên mặt các luống rau cây giống hoặc các loại rau thơm, trộn với đất thịt nhẹ thành giá thể cho vào chậu hoa, cây cảnh trong công viên hoặc tại nhà ở. Sử dụng phân hữu cơ ủ đúng cách còn đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khoẻ cho người sử dụng phân và cả cộng đồng.
Với chi phí xây dựng cơ bản thấp: chỉ cần tổng số tiền đầu tư khoảng 30-35 triệu đồng cho một trạm chế biến phân hữu cơ với 2 bể ủ (mỗi bể ủ có thể tích từ 13-16 m3) và một máy nghiền rác (khoảng 12 triệu đồng) đối với khu dân cư từ 600-700 dân. Đây là mô hình xử lý rác thải hữu cơ phù hợp với điều kiện nông thôn Việt nam hiện nay. Sở TN&MT hy vọng có thể áp dụng mô hình trên tại khu vực nông thôn Vĩnh Phúc để giải quyết vấn đề bức xúc về rác thải sinh hoạt nông thôn trong tỉnh.
Cùng ngày, Đoàn đã tham quan thực tế tại trạm chế biến phân hữu cơ sinh học của xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội và tham quan làng gốm Bát Tràng.