Nhằm thực tốt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có nhiều chương trình, đề án, kế hoạch và chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác bảo vệ môi trường như: Chương trình số 53-CT/TU ngày 31/7/2013 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của BCHTW Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 về cơ chế hỗ trợ bảo vệ môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 23/01/2014 ban hành Quy định về bảo vệ môi trường nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 11/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020; triển khai đầu tư các công trình xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt quy mô cấp xã trên toàn tỉnh; chỉ đạo thành lập các Hợp tác xã dịch vụ môi trường để thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (rác thải sinh hoạt)... từ đó công tác thu gom, vận chuyển và xử lý đối với rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh, công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng còn nhiều bất cập, chưa đáp đứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường; qua theo dõi, kiểm tra thực tế cho thấy, bên cạnh các bãi rác đã được quy hoạch, ở nhiều địa phương các bãi rác tự phát có xu hướng gia tăng về số lượng và quy mô; tình trạng người dân, thậm chí có cả các Hợp tác xã dịch vụ môi trường đổ rác thải sinh hoạt xuống ven đường giao thông, ao, hồ, kênh mương thủy lợi... làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến giao thông, thủy lợi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh được mở rộng và phát triển nhanh chóng vì vậy rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều. Trong khi đó một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là UBND cấp xã; mặt khác nhận thức về bảo vệ môi trường của một bộ phận cán bộ, người dân và tổ chức còn hạn chế; một số tổ chức làm dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt chưa chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường; công tác tuyên truyền, phổ biến chưa sâu rộng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong công tác kiểm tra, giám sát việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Để tăng cường công tác quản lý rác thải sinh hoạt, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 21/4/2016 về tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 2903/KH-UBND ngày 12/5/2016 triển khai công tác vệ sinh môi trường nông thôn và quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các cấp phải tập trung khẩn trương xây dựng kế hoạch để triển khai đầy đủ, nghiêm túc các nội dung Chỉ thị và Kế hoạch, trong tháng 06/2016 sẽ thành lập Ban chỉ đạo vệ sinh môi trường và quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở cấp xã để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, chấm dứt ngay tình trạng ném rác xuống các dòng kênh, mương; các sở, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quản lý chất thảo rắn; ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải và cơ chế hỗ trợ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; từng bước xã hội hóa các hoạt động vệ sinh môi trường, ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng bãi tập kết trung chuyển, bãi chôn lấp và khu xử ký rác thải ở các xã, thị trấn.
Đối với Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn cần tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm môi trường trên địa bàn và chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để xảy ra tình trạng đổ rác, để rác thải không đúng nơi quy định, xây bức xúc trong nhân dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, phối hợp và chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra giám sát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện của các cấp, các ngành.
Xem toàn văn Chỉ thị và Kế hoạch tại đây:
/uploads/news/2016_05/chi-thi-08.2016.ct-ubnd-ve-tang-cuong-cong-tac-bvmt.pdf
/uploads/news/2016_05/kh-ubnd.pdf