Bức xúc môi trường nông thôn Yên Lạc
Huyện Yên Lạc với diện tích trên 10,6 ngàn ha, gồm có 7,0 ngàn ha đất nông nghiệp và trên 3,5 ngàn ha đất phi nông nghiệp (trong đó có gần 1,3 ngàn ha đất ở). Do các hoạt động khai thác, sản xuất và canh tác đất nông nghiệp, thuỷ sản ở Yên Lạc ngày càng gia tăng trong khi sự quan tâm của các địa phương về môi trường còn thiếu đồng bộ và nhiều nơi bị buông lỏng nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên bức xúc.
Những năm gần đây, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện diễn ra khá mạnh đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như làng nghề xã Tề Lỗ, tái chế nhựa ở Tam Hồng, tái chế bông ở Yên Đồng… Các xã Tam Hồng, Tề Lỗ, Yên Phương và Yên Đồng đã có những dấu hiệu ô nhiễm nặng về không khí, nguồn nước, kể cả nguồn nước ngầm và nước mặt. Hiện nay, hầu hết các giếng khoan ở độ sâu từ 10-20 m bị ô nhiễm đến mức có thể phát hiện trực tiếp về màu sắc và mùi khác lạ. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do các cơ sở sản xuất trên đều đổ trực tiếp chất thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước và không khí; hệ thống thoát nước không hợp lý, một số ao, hồ bị san lấp; tình trạng ứ đọng nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư đang ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm.
Một số địa phương như thị trấn Yên Lạc, xã Đồng Cương, xã Tam Hồng và một số nơi khác đã tổ chức các đội thu gom rác thải, khuyến khích người dân xây dựng hầm Bioga, công trình vệ sinh tự hoại… xong hiệu quả còn thấp. Nhiều công trình cấp thoát nước bị xuống cấp hoặc không phát huy tác dụng; việc san lấp ao, hồ, ngăn chặn dòng chảy còn khá phổ biến; một số dự án về môi trường tiến độ triển khai chậm hoặc không được triển khai thực hiện như các dự án về sông Phan, hệ thống thoát nước thải các khu công sở, bệnh viện, khu dân cư.
Với đặc điểm có hơn 90% dân số ở khu vực nông thôn, việc thường xuyên tổ chức diễn đàn, thảo luận; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường cho mọi người dân là điều hết sức cần thiết ở Yên Lạc hiện nay; đồng thời việc xây dựng cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tập trung nguồn lực để xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm, hạn chế những tác động xấu đến môi trường nông thôn cần sớm được triển khai rộng rãi và đồng bộ.
Bảo vệ môi trường để khu vực nông thôn phát triển bền vững đang là một trong những đòi hỏi cấp bách hiện nay. Đi đôi với quy hoạch phát triển vùng nông nghiệp hàng hoá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, vấn đề tập trung xây dựng vùng nông thôn Yên Lạc trở thành vùng kinh tế – sinh thái trên cơ sở xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường là cần thiết và cần đi trước một bước.