▪ Báo cáo ▪ Chỉ thị ▪ Công văn ▪ Kế hoạch ▪ Lệnh ▪ Luật ▪ Quy chế ▪ Quy phạm ▪ Quy định ▪ Sắc lệnh ▪ Thông tư ▪ Tờ trình ▪ Đề án |
Nói đến công nghệ sinh học hiện đại, người ta thường đề cập đến năm lĩnh vực: Công nghệ di truyền, công nghệ tế bào, công nghệ Enzym, công nghệ vi sinh vật và công nghệ sinh học môi trường.
Sự bùng nổ của cách mạng công nghệ sinh học sẽ tác động không loại trừ một nền kinh tế của bất kỳ một quốc gia nào dù phát triển hay đang phát triển. Kinh tế Vĩnh Phúc không nằm ngoài quỹ đạo ấy. Trong mấy năm gần đây, ở tỉnh ta đã ứng dụng có kết quả một số thành tựu về sinh học.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hơn một thập kỷ qua hàng chục bộ giống lúa ngô, đậu năng suất cao, sức kháng bệnh tốt, chịu hạn đã được lai tạo, khảo nghiệm và ứng dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh.
Chế phẩm sinh học EM với những đặc tính trong việc cải tạo tính chất lý hoá sinh của đất làm cho đất tơi xốp và tăng độ phì, tác dụng phòng trừ sâu bệnh hại do đất gây ra, tác dụng bảo quản nông sản thực phẩm, tác dụng trong xử lý môi trường nhất là xử lý rác thải, nước thải và khử mùi hôi thối của chuồng trại gia súc, gia cầm đã phát huy tác dụng. Một số cơ quan, tổ chức của tỉnh đã có nhiều đóng góp cho lĩnh vực ứng dụng chế phẩm EM như: Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục BVTV, Hội Chăn nuôi tỉnh, Liên hiệp các Hội KH&KT Vĩnh Phúc.
Trong chăn nuôi thú y mấy năm qua chúng tôi đã ứng dụng một số chế phẩm sinh học như kích dục tố để làm tăng khả năng sinh sản của lợn, trâu, bò, sử dụng vác xin đa giá để phòng bốn bệnh đỏ của lợn: Dịch tả, đóng dấu, tụ huyết trùng, phó thương hàn. Sử dụng vác xin tế bào phòng bệnh dại, sử dụng kháng huyết thanh Lepto để phòng, chống bệnh Lép tô (thường gọi là lợn nghệ), vác xin chịu nhiệt V4 phòng bệnh tân thành gà, vác xin nhũ hoá phòng bệnh tụ huyết trùng, trâu bò đều cho kết quả tốt.
Thời gian gần đây việc ứng dụng chế phẩm sinh học BIOVAC để sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại hộ gia đình bước đầu đã được triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh và một số địa phương khác. Việc sản xuất phân vi sinh đã có tác dụng tốt: Rẻ tiền, dễ sản xuất, chủ động được nguồn phân hữu cơ có chất lượng cao, tận dụng triệt để nguồn phế thải nông nghiệp dư thừa, không làm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn. Năm 2004 Liên hiệp các Hội Khoa học tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng nông thôn (hội làm vườn Việt Nam) đã ứng dụng và triển khai có hiệu quả việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại hộ gia đình.
Dung dịch Anolyte được điều chế từ nước máy (hay nước sạch) và muối tinh bằng công nghệ điện phân của thiết bị ECAWA có hiệu quả trong việc khử trùng các dụng cụ chăn nuôi, môi trường không khí, có tác dụng diệt khuẩn. Dung dịch Anolyte đã được sử dụng ở một số cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tằm, cây dâu và một số xã trên địa bàn tỉnh.
Công nghệ Biogas khí sinh học được ứng dụng rộng rãi. Hiện nay có rất nhiều kiểu hầm Biogas, nhiều cơ quan, tổ chức đã đầu tư chỉ đạo trên địa bàn các huyện, thị. Tác dụng của Biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng nguồn chất đốt, tận dụng nguồn phân, nước tiểu ở các trại chăn nuôi tập trung, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Cấy truyền hợp tử là một ngành kỹ thuật sinh học trong lĩnh vực di truyền, cấy truyền hợp tử đã tạo ra nhiều gia súc từ những con mẹ cao sản để góp phần tăng nhanh tiến bộ di truyền. Được sự giúp đỡ của Viện chăn nuôi quốc gia và một số tổ chức khác, những con bê lai dòng sữa cao sản đã được ra đời tại huyện Mê Linh và huyện Vĩnh Tường, ghi nhận hiệu quả ứng dụng thành tự khoa học công nghệ cao trong công tác giống gia súc.
Trong việc nuôi cấy mô tế bào thực vật, Trung tâm, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN (Sở KH&CN Vĩnh Phúc) đã ứng dụng thành công công nghệ lưu giữ quỹ gen, nuôi cấy mô tế bào trong việc nhân nhanh các giống cây trồng có năng suất cao phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Nhân giống khoai tây sạch bệnh, cây chuối tiêu lùn Đài Loan, cây dứa Cayen, sản xuất thành công hàng ngàn cây hoa giống hoa cúc Đài Loan, cẩm chướng, phong lan. Hiện nay Trung tâm đang tiếp thu công nghệ và nhân thử nghiệm một số cây lâm nghiệp đầu dòng có khả năng sinh trưởng nhanh như bạch đàn lai, keo lai.
Chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) về cơ bản là giữ cho sản xuất nông nghiệp ở thế cân bằng bền vững. Chi cục BVTV tỉnh đã huấn luyện một lực lượng lớn nông dân áp dụng IPM, xây dựng các quy trình IPM trên lúa, rau, ngô, cây ăn quả. áp dụng IPM ở tỉnh ta đã giảm hẳn việc sử dụng thuốc trừ dịch hại, góp phần bảo vệ trên đồng ruộng, giữ được cân bằng sinh thái, giảm được sự độc hại cho con người.
Trong thời gian tới chúng tôi thấy một số định hướng chủ yếu trong việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ sinh học trong nông nghiệp của tỉnh.
Một là: Cần sớm hoàn chỉnh và thực hiện chế độ canh tác sinh thái, phát huy tối đa các yếu tố của hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp trong từng vùng để đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm sự bền vững của hệ sinh thái nông nghiệp.
Chế độ canh tác sinh thái bao gồm việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu giống mùa vụ hợp lý vừa phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên cũng như phù hợp với yêu cầu của việc xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường nội địa và xuất khẩu.
Hai là: Tăng cường việc ứng dụng một số thành tựu về công nghệ hiện đại, ưu tiên các công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp và chế biến nông sản thực phẩm. Tổ chức học tập việc sản xuất rộng lớn các loại nấm ăn, nấm dược liệu, thuốc trừ sâu sinh học, phân bón sinh học, chất điều hoà sinh trưởng, công nghệ sản xuất lúa lai và các cây khác, công nghệ lai động vật chăn nuôi, thuỷ sản.
Ba là: Nâng cao việc bồi dưỡng kiến thức áp dụng những thành tựu của công nghệ sinh học cho bà con nông dân, trước mắt cho hệ thống cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở xã, phường đã được hưởng hỗ trợ kinh phí của tỉnh.
Tác giả bài viết: Theo www.vinhphuc.gov.vn
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 | CN |
1 | ||||||
2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 |
16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 |
23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 |
30 | 31 | |||||
2021 << 5/2022 >> 2023 |